Cơ chế bệnh sinh và nguyên nhân gây phù

Phù là hiện tượng tăng dịch trong khoảng mô kẽ.
I. Cơ chế bệnh sinh
Như chúng ta đã biết, nước chiếm khoảng 60% khối lượng cơ thể. Trong đó 2/3 nằm ở trong tế bào (dịch nội bào), 1/3 còn lại nằm ngoài tế bào (dịch ngoại bào). 1/4 lượng nước ngoài tế bào nằm trong lòng mạch, 3/4 còn lại nằm trong mô kẽ. Như vậy, lượng nước trong mô kẽ chiếm khoảng 1/4 lượng nước trong cơ thể. Ví dụ một người nặng 60 kg thì lượng nước trong mô kẽ bằng 9 kg tương đương 9 lít. Luôn có sự dịch chuyển nước từ lòng mạch và mô kẽ. Nước trong lòng mạch thoát ra mô kẽ từ hệ thống mạo mạch cuối động mạch và được tái hấp thu vào lòng mạch ở các mao mạch đầu tĩnh mạch. Lượng nước trong mô kẽ luôn ổn định nhờ sự cân bằng của 2 yếu tố: 
- Yếu tố giúp đẩy nước vào mô kẽ gồm áp suất thủy tĩnh của mao mạch, áp suất keo của mô kẽ, tính thấm của mao mạch
- Yếu tố giúp giữ nước lại lòng mạch gồm áp suất thủy tĩnh của mô kẽ, áp suất keo trong lòng mạch
Bình thường có một lượng nước nhỏ thoát ra mô kẽ được hấp thu vào mạch bạch huyết
Phù có thể xảy ra khi: 
1. Tăng áp suất thủy tĩnh trong mao mạch (như tăng thể tích huyết tương do quá tải dịch truyền, thận giữ muối nước...)
2. Tăng áp suất keo của mô kẽ (như trong phù niêm)
3. Giảm áp suất keo trong lòng mạch (như giảm Albumin huyết tương)
4. Tăng tính thấm của mao mạch (như trong bỏng, phù Quincke)
5. Tắc mạch bạch huyết.

II. Một số nguyên nhân gây phù hai chân
a. Tim mạch
- Suy tim
- Viêm màng ngoài tim co thắt
- Tăng áp phổi
b. Xơ gan
c. Thận
- Viêm cầu thần cấp
- Hội chứng thận hư
- Suy thận
d. Máu
- Thiếu máu nặng
e. Tiêu hóa
- Kém hấp thu hoặc ăn thiếu chất dẫn đến thiếu albumin máu
- Thiếu vitamin B1 (bệnh Bêribêri)
f. Thuốc
- Thuốc chống trầm cảm MAO
- Thuốc hạ huyết áp gồm thuốc giãn mạch trực tiếp như hydralazine, minoxidil, thuốc ức chế kênh canxi, thuốc ức chế thụ thể beta
- Hormone gồm estrogens, progesterones, testosterone
- Corticosteroid
- NSAIDs
- Thiazolidinediones
g. Phù niêm trong một số bệnh nội tiết như suy giáp
h. Thai nghén
III. Một số nguyên gây phù một chi
a. Tắc tĩnh mạch do viêm, u hay suy tĩnh mạch như phù chân trong suy tĩnh mạch chi dưới
b. Tắc mạch bạch huyết do viêm, u, do phẫu thuật, do xạ trị, do lao, giun kim (phù chân voi)
c. Viêm mô tế bào
d. Kén Baker gây phù chân
IV. Một số nguyên nhân gây phù khu trú
- Phù áo khoác do khối u trung thất gây tắc tĩnh mạch chủ trên và ống bạch mạch ở ngực
- Bỏng
- Phù mạch
- Chấn thương
- Viêm mô tế bào
V. Triệu chứng lâm sàng của phù
Tùy vào nguyên nhân và hình thức phù khác nhau mà có các triệu chứng tương ứng
Tại chỗ
a. Trong phù mềm, vùng da tại chỗ phù sẽ căng mọng, nhợt nhạt do giảm máu nuôi, mất nếp nhăn da, ấn không đau và để lại dấu lõm sau khi ấn (dấu ấn lõm hay dấu Godet)
b. Trong phù cứng do suy giáp hoặc khi phù mềm kéo dài và tái lại nhiều lần thì vùng da chỗ phù sẽ to cứng, ấn không đau và thường không có dấu ấn lõm
c. Khi phù do viêm hoặc tắc tĩnh mạch, vùng da tại chỗ phù sẽ căng đỏ, nóng, ấn đau, có thể thấy dấu ấn lõm sau khi ấn
Toàn thân
Triệu chứng toàn thân thường đi kèm với phù là tăng cân do cơ thể tăng giữ nước tại mô bị phù
Ngoài phù dưới da, tràn dịch ở một số khoang của cơ thể như tràn dịch màng phổi, dịch ổ bụng, tràn dịch tinh hoàn, tràn dịch màng tim cũng là một hình thức của phù. Phù có thể xảy ra ở các tạng như phù phổi, phù não. Tùy vào mỗi loại phù mà có các triệu chứng khác nhau.