Bilirubin

Bilirubin (sắc tố mật) có nguồn gốc chủ yếu từ quá trình phá hủy các hồng cầu và một mức ít hơn từ các cytochrom và myoglobin (Hình 1).
Quá trình phá hủy các HC có thể được tiến hành:
1. Trong tủy xương (quá trình tạo HC không hiệu quả).
2. Trong máu tuần hoàn (do có các tự kháng thể).
3. Trong lách (sau một thời gian sống trung bình 120 ngày).
Như vậy, Hb được giải phóng từ các HC sẽ tạo ra Hem, sắt và globin:
1. Globin sẽ được haptoglobin giữ lại.
2. Sắt được gắn với transferrin.
3. Hem sẽ được chuyển thành biliverdin nhờ enzym oxygenase của microsom, sau đó thành bilirubin dưới tác dụng của enzym biliverdin reductase.
Như vậy, bilirubin không liên hợp (bilirubin tự do) được tạo thành:
- Chiếm 80% bilirubin toàn phần lưu hành trong máu.
- Gắn với albumin và vì vậy không được lọc qua thận.
- Thường được gọi là bilirubin gián tiếp do cẩn sử dụng phương pháp gián tiếp để định lượng loại bilirubin này (phối hợp thêm một cơ chất làm gia tốc phản ứng đo màu).
Ở gan, bilirubin không liên hợp (gián tiếp) chịu một quá trình chuyển hoá gồm 3 giai đoạn:
1. Được các tế bào gan giữ lại.
2. Liên hợp với glucuronid nhờ enzym glucuronyltransferase của gan.
3. Bài xuất vào trong đường mật.
Bilirubin liên hợp được tạo thành:
- Chiếm 20% bilirubin toàn phần lưu hành trong máu.
- Không gắn với protein, tan trong nước, vì vậy được lọc qua thận.
- Thường được gọi là bilirubin trực tiếp do định lượng loại bilirubin này được thực hiện một cách trực tiếp không cần phải phối hợp thêm chất gây gia tốc phản ứng.
20% bilirubin liên hợp được tái hẩp thu vào máu, trong khi 80% được thải trừ trong đường mật rồi vào ruột (Hình 1). Ở ruột, dưới tác động của các vi khuẩn, bilirubin được chuyển thành Urobilinogen rồi thành stercobilin và được thải trừ trong phân.
Chỉ một phần nhỏ urobilinogen có ở đường tiêu hoá sẽ được tái hấp thu vào hệ thống tĩnh mạch cửa để thực hiện chu trình gan-ruột, và có thể được thấy trong nước tiểu (urobilinogen không gắn với protein).
Có thể tóm tắt các quá trình trên như sau:
Ghi chú
1. Bình thường, kết quả XN chỉ trả lời nồng độ bilirubin toàn phần. Nếu có tình trạng tăng bilirubin toàn phần, phòng XN sẽ tiến hành thêm các test để xác định nồng độ bilirubin trực tiếp và gián tiếp.
2. Trong các bệnh lý của tế bào gan (Vd: xơ gan, viêm gan), quá trình liên hợp bilirubin ít bị tác động. Ngược lại, quá trình bài xuất bilirubin liên hợp rất dễ bị biến đổi, điều đó cắt nghĩa tại sao có tăng lượng bilirubin liên hợp (hay trực tiếp) trong các bệnh lý kể trên. 
3. Khi lượng bilirubin liên hợp tăng cao trong các tế bào gan, sẽ gây trào ngược bilirubin liên hợp vào dòng tuần hoàn và gây vàng da.