CRP- Protein phản ứng C

Protein phản ứng C (CRP) là một loại protein có 224 acid amin, được phát hiện vào năm 1930 bởi Tillett và Prancis. Sở dĩ nó có tên là protein phản ứng C bởi vì ban đầu nó được nhận thấy như là chất hiện diện trong huyết thanh bệnh nhân khi bị viêm cấp có phản ứng với kháng nguyên C của phế cầu. Lúc đầu người ta nghĩ rằng CRP là một chất tiết gây bệnh vì nó tăng trong nhiều bệnh lý khác nhau, kể cả ung thư. Nhưng về sau, với sự phát triển của y học, con người đã biết được CRP là một loại protein tự nhiên do gan sản xuất để đáp ứng lại các phản ứng viêm của cơ thể.
2 - Vai trò của CRP với cơ thể:  
CRP là một chất chỉ điểm sinh học, marker sinh học của phản ứng viêm. Khi cơ thể xảy ra quá trình viêm cấp hay mạn trong các bệnh lý nhiễm khuẩn, nấm, virut hay miễn dịch, ác tính, chấn thương hay hoại tử mô, Interleukin-6 và  một số cytokine được giải phóng sẽ kích hoạt quá trình tổng hợp CRP và fibrinogen của gan. Sau đó, CRP lại kích hoạt hệ thống bổ thể, khởi động việc thực bào các tế bào vi khuẩn hoặc các tế bào chết của cơ thể bằng cách bám vào phosphocholine hiện diện trên màng các tế bào này.
3 - Động học:
CRP có thời gian bán hủy là 18 giờ, bắt đầu tăng trong vòng 2 giờ từ khi khởi phát quá trình viêm, đạt đỉnh trong 48 giờ, có thể tăng vọt 50000 lần giá trị bình thường
4 - Giá trị của CRP:
CRP có độ nhạy cao hơn và phản ứng chính xác hơn trong phản ứng viêm so với tốc độ máu lắng, CRP có thể tăng trong khi tốc độ máu lắng lại bình thường, khi hết phản ứng viêm CRP lại nhanh trở về trị số bình thường hơn.
Giá trị CRP bình thường trong huyết thanh là 5 - 10 mg/L.
CRP không đặc hiệu để chẩn đoán một bệnh lý nào vì nó có thể tăng trong nhiều bệnh lý khác nhau. Hơn nữa, trị số CRP có thể bị ảnh hưởng do nhiều nguyên nhân khác nhau. CRP có thể giảm khi bị suy gan, sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid, corticosteroid, statin, thuốc chẹn beta giao cảm. Ngược lại, CRP có thể tăng khi suy thận, dùng các hormon thay thế, thuốc ngừa thai, đặt dụng cụ ngừa thai trong tử cung, hoạt động thể lực mạnh, có thai, béo phì.
Tuy không có giá trị trong chẩn đoán nhưng biểu đồ thay đổi CRP lại rất có ý nghĩa trong việc theo dõi diễn tiến bệnh và hiệu quả điều trị. CRP còn có giá trị trong tiên lượng các bệnh lý như ung thư, tim mạch, thấp khớp, hội chứng ngưng thở lúc ngủ
Trong bệnh ung thư: Tuy chưa hiểu được vai trò của viêm trong bệnh ung thư, nhưng người ta có thể thấy rằng nguy cơ ung thư một cơ quan nào đó sẽ tăng khi bị viêm mãn tính. Một nghiên cứu đoàn hệ năm 2004 cho thấy, những người bị ung thư đại tràng có nồng độ CRP trung bình cao hơn những người khỏe mạnh, những người có mức độ viêm thấp có liên quan với nguy cơ ung thư thấp hơn. Từ đó người ta nghĩ rằng thuốc kháng viêm có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng.
Bệnh lý tim mạch: Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy mức nền CRP gia tăng liên quan với nguy cơ bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh tim mạch
Chứng xơ hóa và viêm: Mức CRP là một yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh xơ vữa động mạch. Những bệnh nhân với nồng độ cao CRP trong huyết thanh thường hay bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh mạch máu ngoại biên nặng. Mức CRP tăng còn gặp trong bệnh Crohn và viêm loét đại tràng